Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Diện mạo mới từ đổi thay hạ tầng đô thị
Diện mạo mới từ đổi thay hạ tầng đô thị

Diện mạo mới từ đổi thay hạ tầng đô thị

  
Thời gian này, hẳn ai đã có dịp đến với thành phố Cao Bằng trước đây đều ngạc nhiên vì sự thay đổi về bộ mặt đô thị của thành phố. Cách đây 5 năm, thành phố Cao Bằng mới chỉ là 1 thành phố non trẻ, sự phát triển về hạ tầng đô thị cũng như nhịp sống, kinh kế - xã hội vẫn còn trầm lắng, thì giờ đây, thành phố đã đổi thay ngoạn mục với phố phường khang trang, nhiều nhà cao tầng mọc lên ở khắp các xã, phường, nhịp sống nhanh của đô thị đã trở thành nếp sống quen thuộc với người dân. Đặc biệt, điều dễ dàng nhận thấy trong sự đổi thay này là hạ tầng giao thông và các hạng mục chỉnh trang đô thị của thành phố.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015- 2020 khẳng định, một trong những nhiệm vụ quan trọng để phát triển, mở rộng không gian đô thị Thành phố là đầu tư cho giao thông. Hiện nay, tỉnh và thành phố đang triển khai xây dựng nhiều tuyến đường nhằm đồng bộ hóa hệ thống giao thông kết nối như: đường phía Nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng, Đường Tránh Quốc lộ 4a; các trục đường trong khu đô thị mới Đề thám vv...

Nổi bật trong những năm qua, thành phố được giao làm chủ đầu tư  Dự án “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc” được tài trợ bởi nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới; Dự án triển khai tại Thành phố có tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 681 tỷ đồng, gồm 2 giai đoạn: giai đoạn I (2015 - 2016) triển khai 3 hạng mục công trình với tổng kinh phí trên 253 tỷ đồng; giai đoạn II (2017 - 2020) với 7 hạng mục công trình xây dựng cơ bản, tổng mức đầu tư gần 428 tỷ đồng. Đến nay, Các hạng mục đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang lại sự thay đổi lớn cho các xã phường được thụ hưởng dự án, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân về hạ tầng giao thông cũng như hạ tầng kỹ thuật, đồng thời, nâng cao năng lực của các cấp chính quyền trong công tác quy hoạch, kế hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng phát triển đô thị, quản lý tài chính có hiệu quả.

    Tháng 12 năm 2015, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 78 về việc thông qua phương thức đầu tư và nguồn vốn hỗ trợ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn. Thực hiện Nghị quyết này, tháng 6 năm 2016, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 979 về việc phê duyệt đề án thực hiện đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn thành phố Cao Bằng, giai đoạn 2016-2020 theo hình thức nhân dân thực hiện, nhà nước hỗ trợ. Với chủ trương đúng đắn, cùng với việc nhận thức được xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, kênh mương thủy lợi… là phục vụ lợi ích của nhân dân, nhiều hộ gia đình đã hưởng ứng tích cực, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi giữa các phường, xã trên địa bàn. Nhà nước hỗ trợ kinh phí xi măng, vật liệu xây dựng, cột và đường dây điện, người dân đã tích cực đóng góp kinh phí để bê tông hóa các tuyến đường; tự mua các vật tư khác và tự thi công, đồng thời cử người giám sát chặt chẽ việc thi công cũng như công khai minh bạch thu - chi tài chính, nên chất lượng công trình cũng như tiến độ luôn được bảo đảm theo yêu cầu. Qua đó, từ năm 2016 – 2019, đã thực hiện đầu tư đường GTNT do các đơn vị phường, xã làm chủ đầu tư với tổng chiều dài trên 71 km đường GTNT với kinh phí thực hiện trên 30 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 22 tỷ đồng, số còn lại là do nhân dân đóng góp. Đến nay các tuyến đường GTNT ngõ, xóm, nội đồng đã bê tông hóa được trên 182/195 km, đưa tỷ lệ đường giao thông nông thôn được kiên cố hóa trên 93,33%, với tổng kinh phí hàng tỷ đồng. 

Theo kế hoạch, thành phố Cao Bằng  phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành các tiêu chí đô thị loại III và đạt được một số tiêu chí đô thị loại II mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cao Bằng khóa XVII đã đề ra. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền thành phố quan tâm đầu tư, đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm. Thành phố đã tập trung triển khai thực hiện và hoàn thành và công bố công khai điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Cao Bằng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; hoàn thành các quy hoạch phân khu với tổng vốn thực hiện trên 40 tỷ đồng cho các quy hoạch được phê duyệt.

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, thành phố đã tập trung thực hiện công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội: Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn Thành phố trong nhiệm kỳ qua ước đạt trên 5.900 tỷ đồng, bằng 176% so với nhiệm kỳ trước. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản do thành phố làm chủ đầu đã và đang thực hiện hoàn thành 86/107 công trình với kinh phí trên 800 tỷ đồng từ các nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay ODA. Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm như: Dự án đường phía Nam (đường 58 mét); các khu trung tâm hành chính của tỉnh đang được hình thành (Tỉnh ủy và Khối đoàn thể, Tổng cục Hải quan, Quân sự, Công an, Thi hành án,… các công trình giao thông được quan tâm đầu tư cải tảo, nâng cấp và mở mới; hệ thống kè Sông Bằng và Sông Hiến đang được triển khai thi công; tuyến phố đi bộ Kim Đồng, chợ đêm ẩm thực và một số công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, các hạng mục tiểu cảnh đã hoàn thành tạo điểm nhấn cho Thành phố Cao Bằng.

Ngoài ra, trên địa bàn Thành phố còn có các doanh nghiệp đã và đang đầu tư xây dựng các tòa nhà cao ốc, khu dân cư cao cấp (tòa nhà Pác Bó phố Kim Đồng, Shophouse Lô 15, 16 phường Đề Thám) với tổng mức đầu tư hàng nghìn tỷ đồng; các khu đô thị đã và đang được các doanh nghiệp, tập đoàn quan tâm lập dự án để đầu tư; về phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã được phát triển, nhiều nhà hàng, khách sạn đã được các doanh nghiệp, tư nhân đầu tư.

Đặc biệt, phải kế đến một điểm nhấn trong phát triển hạ tầng đô thị của Thành phố trong năm 2019, đó là tuyến phố đi bộ Kim Đồng. Phố đi bộ Kim Đồng được khởi công xây dựng từ tháng 7/2019 với không gian trải rộng trên diện tích hơn 2 ha, trục chính là phố Kim Đồng, dài hơn 600 m. Từ 19 - 23 giờ các ngày thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần, tại phố đi bộ sẽ diễn ra các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ đường phố, trò chơi dân gian phục vụ du khách. Điểm nhấn của tuyến phố đi bộ là khu Chợ ẩm thực Thành phố với tổng diện tích 1.456 m2, thiết kế theo phong cách kiến trúc nhà sàn truyền thống của đồng bào Tày, Nùng, đáp ứng được 70 gian hàng phục vụ ăn uống, bán đồ lưu niệm, đặc sản đặc trưng của tỉnh Cao Bằng. Nếu như trước đây, Kim Đồng là tuyến phố nhộn nhịp, tấp nập xe cộ bậc nhất thành phố. Chính quyền các cấp luôn gặp khó khăn trong việc giải tỏa các điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại đây. Thì bây giờ, phố đi bộ Kim Đồng đã trở thành nơi trải nghiệm văn hóa, con người, ẩm thực độc đáo cho nhân dân thành phố cũng như du khách thập phương, trở thành điểm nhấn du lịch trong lòng Thành phố.

Ngoài ra, trong 5 năm qua, thành phố đã thực hiện rất tốt công tác quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, công trình nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị; hoàn thiện các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật đô thị của đô thị loại III, trong đó có một số tiêu chí cơ bản đáp ứng yêu cầu của đô thị loại II: Tỷ lệ đất giao thông khu vực nội thị so với đất xây dựng trong khu vực nội thị đạt tối thiểu 15%; Mật độ đường chính trong khu vực nội thành đạt tối thiểu 3,5km/km2”; Dự kiến đến giữa năm 2020, 100% đường giao thông nông thôn, ngõ, xóm, nội đồng được kiên cố hóa. Tỷ lệ dân số khu vực nội thị được cấp nước sạch sinh hoạt đạt 100%. Tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được cấp nước hợp vệ sinh đạt 70%; Tỷ lệ đường phố chính khu vực nội thành được chiếu sáng đạt 100%; Hoàn thành tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng đạt tối thiểu 55%;  Đất cây xanh công công khu vực nội thị đạt tối thiểu 6m2/người; Có 50% tuyến phố được công nhận là tuyến phố văn minh đô thị; Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý theo quy định đạt trên 95% đối với khu vực nội thị. 

Thời gian tới, thành phố xác định phát triển đô thị gắn với phát triển dịch vụ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nhằm huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật để phát triển đô thị tại các khu vực có khả năng thu ngân sách lớn, tạo bước đột phá về phát triển dịch vụ. Trọng điểm là kết nối hạ tầng hai bên bờ sông Bằng giữa khu vực Nà Cạn, phường Sông Bằng với khu thương mại Kim Đồng, phường Hợp Giang; khai thác quỹ đất, cảnh quan hai bờ sông Bằng, giữa phường Hợp Giang và phường Ngọc Xuân; phát huy thế mạnh hai bên đường phía Nam khu đô thị mới Đề Thám. Triển khai thực hiện nhiều biện pháp tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển.

 Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, mức sống của người dân tăng cao làm cho các hoạt động kinh tế - xã hội của địa phương đang trở nên nhộn nhịp hơn. Điểm nhấn trong sự phát triển của thành phố đang được thể hiện rõ nét qua kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông. Diện mạo thành phố hiện đại, các công trình trọng điểm hình thành đã góp phần tăng giá trị cạnh tranh của địa phương trong con mắt nhà đầu tư, sớm giúp thành phố Cao Bằng đạt được các  mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, từng bước nâng cấp chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh, hiện đại./.

Tin tức
Đăng nhập
ipv6 readyChung nhan Tin Nhiem Mang